Lịch sử Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam

Ban đầu

Lịch sử của Vietnam Airlines bắt đầu từ ngày 15 tháng 1 năm 1956, khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Nghị định số 666/TTg thành lập Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam tiếp theo sau sự quốc hữu hóa sân bay Gia Lâm. Đây được xem là ngày thành lập chính thức của Hàng không Việt Nam hiện tại. Lúc này đội bay của hãng chỉ gồm 5 chiếc (Ilyushin Il-14, Antonov An-2, Aero Ae-45...).

Đội máy bay dân dụng mang số hiệu VN 198, VN 199 (loại Lisunov Li-2) và VN 200, VN 201,VN 202 (loại Aero-45).

Chuyến bay nội địa đầu tiên là tuyến Hà Nội - Vinh - Đồng Hới được khánh thành đúng vào lễ Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1956 với mức vé ban đầu 30 đồng tiền miền Bắc.

Năm 1958, tuyến Hà Nội - Nà Sản - Điện Biên cũng được vận hành với chiếc máy bay vận tải Antonov An-2 mang số hiệu 30C.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, tất cả máy bay muốn vào, ra miền bắc Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở ra từ 0h ngày 1 tháng 1 năm 1955 (theo giờ Hà Nội), phải xin phép cơ quan điều phái của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt tại phi trường Gia Lâm, Hà Nội. Bộ chữ tín hiệu mới là chữ HN (Hà Nội) được thay cho chữ F2Y của Pháp quy định trước đó.[9]

Hàng không Dân dụng Việt Nam mở đường bay quốc tế đầu tiên đến Trung Quốc năm 1956, tiếp theo đó là Viêng Chăn năm 1976, Băng Cốc năm 1978.[10]

Năm 1976, đổi tên thành Tổng cục Hàng không Dân dụng Việt Nam.

Năm 1976, sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, Tổng cục Hàng không Dân dụng tiếp nhận toàn bộ tài sản của Air Vietnam còn lại ở Việt Nam, bao gồm một chiếc Boeing 707 còn nằm lại ở Việt Nam và một chiếc Boeing 727-100 được phi công Huỳnh Minh Boòng điều khiển, quay về từ Hồng Kông, và các quyền và nghĩa vụ thành viên của ICAOIATA. Bấy giờ, tên giao dịch của Hàng không Dân dụng Việt Nam là Vietnam Civil Aviation; đối với một số tuyến bay đến các nước phương Tây, tên giao dịch Air Vietnam vẫn được sử dụng.

Cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, mạng lưới đường bay của Vietnam Airlines được mở rộng đến Singapore, Manila, Kuala Lumpur, Hồng Kông.[10]

Năm 1990, Vietnam Airlines bắt đầu đàm phán về việc sử dụng các máy bay phương Tây[11]. Nhưng vào cuối năm đó, Vietnam Airlines phải hủy bỏ đơn hàng mua 2 chiếc Airbus A310 vì những chiếc đó sử dụng động cơ của Hoa Kỳ[12].

Tháng 1 năm 1991, Vietnam Airlines ký hợp đồng thuê-ướt (wet-lease) một chiếc Boeing 737-300 trong màu sơn của Vietnam Airlines từ Transvia của Hà Lan, nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gây áp lực khiến Transvia phải hủy bỏ hợp đồng. Vì vậy, Vietnam Airlines đã chuyển qua đàm phán với TEA Basle, đồng thời bỏ nguyên năm 1991 để đàm phán với nhà chức trách Hoa Kỳ. Cuối cùng một giải pháp hòa hoãn được đưa ra, tất cả các chiếc máy bay (Boeing 737) phải được đăng ký ở ngoài Việt Nam, không được gắn bất kỳ dấu hiệu gì của Việt Nam, với những điều kiện đó thì những chiếc máy bay đó có thể được phục vụ với danh nghĩa của Vietnam Airlines. Ngày 15 tháng 2 năm 1992, chiếc Boeing 737-300 lần đầu được khai thác bởi phi công của TEA Basle với phi hành đoàn người Việt Nam. Trên giấy tờ, đó là hợp đồng Vietnam Airlines cung cấp dịch vụ cho TEA Basle, trên thực tế đó là thuê-ướt. Trong thời gian này, phi hành đoàn phải ở lại nước ngoài vào ban đêm tại Băng Cốc, Hồng Kông, Singapore[11].

Tháng 12 năm 1991, Vietnam Airlines và Cathay Pacific đạt được thỏa thuận liên danh khai thác đường bay SGN-HKG và HAN-HKG[13].

Tháng 10 năm 1992, Vietnam Airlines tiếp nhận chiếc Airbus A310 từ Jes Air của Bulgaria[11], tuy nhiên với việc động cơ của chiếc này bị hỏng, khiến nó phải nằm lại Đài Bắc hàng tháng trời, Vietnam Airlines và Jes Air không thống nhất được ai sẽ chi trả chi phí sửa chữa nên chiếc này bị thay thế bởi một chiếc Airbus A310 khác của GATX, tuy nhiên vẫn được vận hành bởi Jes Air[11].

Một tranh chấp tương tự với United Technologies khiến Vietnam Airlines quyết định chuyển sang sử dụng máy bay của Boeing cho các chuyến bay đường dài. Tháng 1 năm 1993, một chiếc Boeing 767-200ER được thuê từ Ansett Worldwide Aviation Services. Tháng 1 năm 1994, một chiếc Boeing B767-300ER được thuê từ Royal Brunei Airlines[11].

Tháng 4 năm 1993, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (tên giao dịch tiếng AnhVietnam Airlines) được thành lập và là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam.[14]

Tháng 10 năm 1993, ba chiếc Airbus A320 đầu tiên được thuê từ Air France gia nhập đội bay của Vietnam Airlines với hợp đồng cho thuê 2 năm, tháng 2 năm 1994, thêm hai chiếc nữa gia nhập đội bay của Vietnam Airlines. Ngoài ra, Air France còn giúp đỡ Vietnam Airlines đào tạo đội ngũ nhân viên, phi công và phi hành đoàn[11].

Tới thời điểm này, mạng lưới đường bay của Vietnam Airlines đã mở rộng ra đến Paris, Tokyo, Seoul, Đài Bắc, Sydney, Melbourn.

Năm 1993, hãng đã vận chuyển hơn 1 triệu hành khách[15].

Những cột mốc đáng nhớ

Năm 1993: Thành lập Hãng hàng không quốc gia Việt Nam

Năm 1995: Thành lập Tổng công ty Hàng không Việt Nam gồm Hãng hàng không quốc gia Việt Nam và 20 doanh nghiệp trong ngành

Năm 2002: Giới thiệu biểu tượng mới - Bông Sen Vàng gắn với các cải tiến vượt trội về chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng bay và nâng cấp đội bay

Năm 2003: Tiếp nhận đưa vào khai thác tàu bay hiện đại Boeing 777 đầu tiên, khởi đầu chương trình hiện đại hóa đội bay

Năm 2006: Trở thành thành viên chính thức của IATA

Năm 2010: Chính thức là thành viên thứ 10 của Liên minh hàng không Skyteam

Năm 2014: Chào bán thành công cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM

Năm 2015:

- 04/2015: Chính thức hoạt động theo mô hình CTCP từ ngày 01/4/2015

- 07/2015: Trở thành hãng hàng không đầu tiên của Châu Á và thứ 2 trên thế giới tiếp nhận máy bay thế hệ mới Airbus A350-900, đồng thời ra mắt hệ thống nhận diện thương hiệu mới

Năm 2016:

- 07/2016: Chính thức được công nhận là Hãng hàng không quốc tế 4 sao theo tiêu chuẩn của Skytrax

- Hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư chiến lược ANA Holdings INC (Nhật Bản)

Năm 2017:

- 01/2017: Cổ phiếu Vietnam Airlines chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán UPCOM với mã chứng khoán HVN, giá trị vốn hóa nằm trong top đầu của thị trường

- 12/2017: Chào đón hành khách thứ 200 triệu sau 20 năm thành lập và đạt 1,5 triệu hội viên Bông Sen Vàng

Năm 2018:

- 07/2018: Nhận chứng chỉ Skytrax lần 3 liên tiếp là Hãng hàng không quốc tế 4 sao (2016,2017,2018)

- 11/2018: Chính thức đón tàu A321 NEO đầu tiên; chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước từ Bộ GTVT sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Giai đoạn hạch toán độc lập

Biểu tượng trước đây của Vietnam Airlines. Tháng 10 năm 2002, hãng giới thiệu phiên bản bông sen vàng nhân dịp tiếp nhận chiếc Boeing 777 vào năm 2003.[16]

Tháng 2, 1994 (1994-02), Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton dỡ bỏ cấm vận Việt Nam, điều này cho phép Vietnam Airlines mua các máy bay phương Tây.[11] Tháng 4 cùng năm, Vietnam Airlines thông báo từng bước ngưng sử dụng các máy bay Liên Xô.[17] Tính đến tháng 4 năm 1995, Vietnam Airlines có 9 Airbus A320 (toàn bộ đều được thuê từ Air France), 11 Antonov An-24, 4 ATR-72, 2 Boeing 707-300, 3 Ilyushin Il-18, 9 Tupolev Tu-134 và 3 Yakovlev Yak-40;[nb 1], tại thời điểm này hãng bay phục vụ 14 sân bay nội địa (bao gồm Ban Mê Thuột, Đà Nẵng, Điện Biên Phủ, Huế, Nha Trang, Phú QuốcPleiku) và 16 điểm đến quốc tế.[19].

Ngày 27 tháng 5 năm 1995, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Võ Văn Kiệt ký quyết định thành lập Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines Corporation) trên cơ sở sáp nhập 20 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hàng không mà Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam là nòng cốt.[14][20][21]

Giữa năm 1995, 2 chiếc Fokker 70 được mua với giá 50 triệu US$[22] để thay thế cho đội bay Tupolev Tu-134 trong các đường bay nội địa.[23]

Tháng 12, 1995 (1995-12), Vietnam Airlines tiến hành đàm phán với GECAS để thuê 3 chiếc Boeing 767-300ER từng phục vụ cho Continental Airlines (hãng của Hoa Kỳ, sáp nhập với United Airlines vào ngày 3 tháng 3 năm 2012) để thay thế cho 3 chiếc Boeing 767-300ER và 1 chiếc Boeing 767-200ER được thuê từ AWAS và Royal Brunei Airlines.[24]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam http://www.airlinequality.com/Airlines/VN.htm http://www.boeing.com/commercial/customers/vietnam... http://www.cargonewsasia.com/secured/article.aspx?... http://www.flightglobal.com/news/articles/two-new-... http://www.flightglobal.com/news/articles/vietnam-... http://www.flightglobal.com/news/articles/vietnam-... http://www.flightglobal.com/news/articles/vietnam-... http://www.flightglobal.com/pdfarchive/view/1990/1... http://www.flightglobal.com/pdfarchive/view/1991/1... http://www.flightglobal.com/pdfarchive/view/1994/1...